THỰC HÀNH IN TRANH – HÌNH THỨC MĨ THUẬT MỚI TRONG DẠY HỌC MÔN MĨ THUẬT LỚP 5 TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC NGUYỄN HUỆ THÀNH PHỐ MỸ THO, TIỀN GIANG

Trong nội dung đổi mới Sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở môn Mỹ thuật lớp 5 đã có một số bài học mang tính khuyến khích các em học sinh trải nghiệm thực hành mỹ thuật, sáng tạo, hợp tác và giao tiếp với nhau. Sự đổi mới đó cũng tạo cảm hứng cho giáo viên mỹ thuật trong việc hỗ trợ học sinh phát triển khả năng tiếp thu thẩm mỹ và bước đầu sáng tạo nghệ thuật. Nội dung thực hành in tranh trong chủ đề “Thiên nhiên tươi đẹp với Bài 1: Thiên nhiên trong tranh in” là một trong những bài học lý thú luôn được học sinh chờ đón. Thời gian qua, cô và trò trường Tiểu học Nguyễn Huệ, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã cùng nhau thực hiện theo kế hoạch bài dạy được xây dựng từ SGK và SGV mĩ thuật Lớp 5 đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

     

hình 1,2: Tạo khuôn từ giấy bìa và in tranh

Hình 3,4,5: Khuôn in từ giấy bìa và tranh in.

Tranh in là một hình thức nghệ thuật khá mới đối với các em học sinh ở lứa tuổi Tiểu học. Nếu như trước kia khi thực hành mĩ thuật, kết quả của các em tạo ra chỉ là tranh vẽ, tranh xé dán giấy màu, hay các sản phẩm được nặn tạo hình, thì nay có thêm kiến thức, kĩ năng thực hành mới là tạo khuôn và in tranh, hình thức và kĩ thuật in được nâng dần lên từ lớp 1 đến lớp 5.

Các em bước đầu làm quen với tranh in, hình thành một số tư duy về cách tạo khuôn cho tranh in bằng bìa giấy. Các em sẽ luyện tập thực hành với sự kiên trì khéo léo, cẩn trọng từ việc phác thảo nội dung, bố cục tranh, tạo khuôn in, thảo luận, lựa chọn nguồn vật liệu, họa phẩm phù hợp với ý tưởng, mục tiêu bài học đến việc tiến hành thao tác in, điều chỉnh để hoàn thiện sản phẩm.

 

Hình 6,7: Trải nghiệm in tranh và sản phẩm của học sinh.

Phương pháp in tranh thu hút và hấp dẫn các em, khi các em sẽ tự tay mình tạo ra sản phẩm phong phú đa dạng, sinh động thẩm mỹ và vô cùng ngộ nghĩnh đáng yêu. Cảnh vật thiên nhiên quen thuộc mà các em nhìn thấy hằng ngày như cây cối, nhà ở, trường học, đồng ruộng... sẽ được tái hiện và mô phỏng trên tranh với bố cục, hình ảnh, đường nét và sắc độ đậm nhạt để in màu hoặc in trắng đen, nhằm mục tiêu tạo được không gian, độ xốp và chất cảm trên bề mặt của sản phẩm mỹ thuật.

Tiết thực hành tạo khuôn và in tranh giúp các em khám phá được nhiều kỹ thuật khác nhau như vẽ, cắt dán hình tạo không gian, bố cục của bức tranh; cách sử dụng màu nước trong quá trình vẽ và in dập, lưu ý không dùng màu quá đặc, quá lỏng hay quá nhiều màu, để tạo ra sản phẩm không quá nhòe, quá cứng mà tạo ra độ xốp của bề mặt tranh in. Qua đó các em biết phân biệt sự khác nhau về hình thức của tranh in với tranh vẽ. Điều này giúp các em phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo.

Việc phát triển tư duy hình ảnh, rèn luyện đôi tay khéo léo, bước đầu luyện tập kỹ năng in ấn ở mức độ đơn giản thông qua các sản phẩm tạo hình này sẽ giúp các em mạnh dạn hơn, biết liên hệ thực tế cuộc sống xung quanh, chủ động biểu đạt cảm xúc, tập cách thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật cũng là thể hiện vẻ đẹp trí tuệ. Các em tập vận dụng một số yếu tố, nguyên lý tạo hình để tạo ra sản phẩm, biết giới thiệu, chia sẻ về sản phẩm với bạn bè và mọi người.

 

Hình 8,9,10: Cùng nhau chia sẻ, rút kinh nghiệm  về sản phẩm của mình, của bạn.

Thông qua hoạt động dạy học tích hợp liên môn, giáo viên lồng ghép hình thức thể hiện của sản phẩm mĩ thuật với các chủ đề giáo dục an ninh quốc phòng, an toàn giao thông, giáo dục các em yêu quê hương đất nước và giữ gìn biển trời Tổ quốc, yêu trường lớp bạn bè, yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường, có ý thức tham gia giao thông an toàn, đúng luật v.v...

Hình 11,12: Bài học thú vị, học sinh tích cực hợp tác và chia sẻ cùng nhau.

Với sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường đã chuẩn bị về phòng học và các tư liệu học tập, kinh nghiệm giảng dạy và quá trình thực hành mĩ thuật nhiều năm của giáo viên chuyên môn, cùng với sự hứng thú ngày càng tăng của học sinh, ngày càng đưa đến những kết quả đáng mừng trong giáo dục mĩ thuật, giúp học sinh hiểu, thực hành và lan tỏa giá trị của mĩ thuật trong cuộc sống.

Người viết: Võ Trần Thanh Hương

Bản đồ